Cộng đồng tricker Facebook đang cung cấp một gói dịch vụ đánh sập tài khoản cá nhân độc nhất vô nhị. Thành phần quan trọng để cách làm này thành công là giấy chứng tử.
*Tricker Facebook là hành vi lợi dụng lỗ hổng của Facebook để phục vụ cho mục đích cá nhân (chiếm tài khoản để tống tiến, xóa tài khoản của người khác,…)
Từ tháng 12, cộng đồng làm dịch vụ ngầm trên Facebook (tricker) truyền tai nhau cách đánh sập tài khoản cá nhân bằng giấy chứng tử, cáo phó… Ngay lập tức, cách làm này trở thành một dịch vụ béo bở để bán cho các cá nhân muốn thanh trừng, trả thù người khác trên Facebook. Tuy vậy, mức giá chi cho loại dịch vụ này này không hề rẻ.
Facebook không đủ khả năng nhận ra giấy tờ giả
Cách làm này dựa vào điểm yếu về năng lực kiểm duyệt của Facebook. Cụ thể, tricker sẽ gửi một mẫu yêu cầu cho Facebook, thông báo việc chủ tài khoản mục tiêu đã qua đời. Để đánh lừa đội ngũ kiểm duyệt của Facebook, các tricker này chuẩn bị sẵn những giấy tờ có liên quan như giấy chứng tử, cáo phó có mộc đỏ, chứng minh nhân dân…
“Dù sao Facebook cũng chỉ là nền tảng mạng xã hội, việc xét duyệt các văn bản Nhà nước không phải là chuyên môn của họ. Vì vậy, Facebook rất dễ bị kẻ xấu đánh lừa”, Phan Văn Khải, người làm dịch vụ Facebook lâu năm chia sẻ.
Dạo quanh các hội nhóm chuyên chia sẻ thủ thuật của giới làm dịch vụ Facebook, người viết dễ dàng bắt gặp những bài rao bán phôi cáo phó, giấy chứng tử kèm các cam kết dịch vụ.
“Mình nhận làm giấy tờ Full HD cho anh em nào chơi tưởng nhớ nhé. Giấy tờ hợp pháp, bao thành công. Cáo phó thích có con dấu của xã cũng có. Riêng chứng tử chất lượng cao, giấy xác nhận đã chết của xã cũng có con dấu”, tài khoản B.N, thành viên một nhóm dịch vụ Facebook viết trong bài rao.
Giá của mỗi phôi cáo phó, giấy chứng tử được bán dao động 100.000-200.000 đồng. Những loại phôi này chỉ được in đơn giản với chất lượng cao. “Giấy tờ này đắt vì khó có thể mua được ở ngoài thị trường.
Một số người chia sẻ tệp Photoshop có sẵn mẫu, chỉ cần thay tên. Tuy vậy, nếu nhà không có sẵn máy in thì không ai dám nhận in”, Nhật Trường, một bên bán phôi giấy chứng tử tại Hà Đông, Hà Nội cho biết.
Tài khoản tưởng nhớ là gì?
“Sau khi ai đó qua đời, chúng tôi sẽ tưởng nhớ tài khoản của họ nếu có thành viên gia đình hoặc bạn bè gửi yêu cầu. Lưu ý rằng tưởng nhớ là một quyết định quan trọng. Nếu bạn không phải là thành viên gia đình hoặc bạn thân của người đã qua đời, chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ với gia đình của người đó trước khi yêu cầu tưởng nhớ”, Facebook viết trong phần mô tả.
Khi một tài khoản được xét duyệt tưởng nhớ, người kế thừa (được chủ tài khoản chọn trước) sẽ có thể ghim bài viết, trả lời lời mời kết bạn, cập nhật ảnh bìa và ảnh đại diện. Ở mục yêu cầu đặc biệt, kẻ tấn công còn có thể yêu cầu đóng tài khoản của người dùng với lý do chủ tài khoản đã qua đời.
Để được Facebook xác nhận, kẻ xấu cần nộp lời cáo phó hoặc tài liệu khác về sự qua đời. “Tuy nhiên những giấy tờ này được mua từ các bên bán phôi giả”, Trường chia sẻ.
Facebook chưa có cách giải quyết những yêu cầu tưởng nhớ giả mạo
Mức giá phải trả để “khai tử” một người trên Facebook cũng khá đắt: dao động 2-5 triệu đồng cho một tài khoản. Thậm chí nhiều tricker mới tập tành làm dịch vụ còn nhận hợp đồng với giá chỉ 200.000 đồng. Đương nhiên khả năng thành công của việc đưa một tài khoản về “nơi chín suối” tỷ lệ thuận với số tiền bỏ ra.
Theo nhiều thành viên trong nhóm kín về dịch vụ Facebook chia sẻ, hiện người dùng khi bị hãm hại vẫn chưa có cách nào để xử lý. “Facebook có cung cấp chính sách kháng nghị khi bị xét duyệt tưởng nhớ nhầm. Tuy vậy, cách này thường không hoạt động”, Trường nói thêm.
Facebook có nhiều chính sách để báo cáo một tài khoản cá nhân. Từ tố cáo tội phạm bằng email cơ quan chức năng, tố cáo mạo danh đến tố cáo trẻ em chưa đủ tuổi sử dụng (14 tuổi) theo luật của Tây Ban Nha và Hàn Quốc hay người không đủ điều kiện sức khỏe…
Mức độ thành công của mỗi cách thức là khác nhau. Những cách thức này được chia sẻ công khai trên mạng, đặc biệt là YouTube. “Tưởng nhớ là cách làm đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, có thời gian liên kết này không khả dụng. Khoảng 1 tháng trở lại đây, cách đánh sập tài khoản này quay trở lại hoạt động.”, anh Hoàng Phúc (quận 3, TP.HCM) một người am hiểu về các dịch vụ Facebook giải thích.
Chiêu thức “die nick” này thường được sử trong những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh. Những người buôn bán hàng online hay có hiềm khích từ trước thường là nạn nhân. Đặc biệt giới nghệ sĩ, người nổi tiếng thường bị các anti fan chơi xấu theo cách này.
Để hỗ trợ tốt cho người dùng, Facebook tạo ra chính sách cộng đồng chặt chẽ. Tuy vậy, việc xử lý các báo cáo vi phạm lại được thực hiện chủ yếu bằng hệ thống máy tính. Điều đó đã tạo ra nhiều kẽ hở và sai lầm khiến người dùng gặp nhiều khó khăn.
“Facebook đang đòi hỏi ngày càng nhiều những giấy tờ có con dấu như chứng minh thư, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng tử… Tuy vậy năng lực kiểm duyệt kém chỉ tạo điều kiện cho các bên bán phôi giấy tờ giả lộng hành”, anh Phúc nói thêm.
Nguồn: Zing
Nếu cần trợ giúp, đừng ngần ngại inbox, các Ninjaer sẽ giúp đỡ bạn. Kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất:
Hotline: 0967.922.911
Group: https://fb.com/groups/congdongninja
Fanpage: https://www.facebook.com/ToolsNinja/